KHÁM PHÁ BỘ MÁY PHÁT ÂM TRONG CƠ THỂ BẠN

By mtrend

Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng bộ máy phát âm trong cơ thể mình hoạt động như thế nào không? Nếu có, hãy cùng mTrend khám phá trong bài viết này nhé!

Bộ máy phát âm được hình thành từ sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của nhiều bộ phận khác nhau, tạo nên tiếng nói cũng như tiếng hát. Gồm:

  1. Bộ phận cung cấp làn hơi
  2. Bộ phận phát thanh
  3. Bộ phận truyền tăng âm
  4. Bộ phận phát âm (nhả chữ)
  5. Bộ phận dội âm

Nào, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết nhé!

Bộ phận cung cấp làn hơi:

Bộ phận cung cấp làn hơi

Bao gồm hai lá phổi, được sự tác động của các cơ ngực, sườn, cơ hoành cách mô, cơ bụng.

Phổi gồm những tế bào xốp, có độ co dãn lớn, tạo thành bởi những túi nhỏ, các túi này dãn ra để chứa đầy không khí, và co lại để đẩy không khí ra ngoài bằng các phế quản. Các phế quản này đều thông vào khí quản, trông giống như những rễ cây bám vào gốc cây.

Sự co dãn chủ động của phổi là do sự hỗ trợ tích cực của lồng ngực và hoành cách mô cùng các cơ bụng: Hoành cách mô hạ xuống, lồng ngực trương ra, làm cho phổi dãn ra tăng thêm thể tích, tạo khoảng trống cho không khí ở bên ngoài vào. Hoành cách mô nâng lên, bụng hơi hóp vào, lồng ngực buông lỏng xuống, làm cho phổi thu nhỏ lại, đẩy không khí ra ngoài.HN_week4_25

Hãy tưởng tượng hai lá phổi như một cái bể chứa, cung cấp dưỡng khí cho cơ thể và thải thán khí ra ngoài. Mỗi lần hít thở, ta hít nửa lít không khí. Mỗi phút ta thở khoảng 15 lần và 15 lít máu được đổi mới.

Khi làn hơi từ phổi được đẩy ra ngoài, nếu tác động đúng cách lên thanh đới (dây tiếng), thì sẽ phát ra âm thanh. Chất lượng của âm thanh phát ra phần lớn phụ thuộc vào làn hơi từ phổi đưa lên tác động vào thanh đới. Vì thế trong ca hát, cần phải tập luyện hơi thở sao cho đầy đặn và điều chế làn hơi thật nhuần nhuyễn.

Bộ phận phát thanh

Bộ phận phát thanh

Gồm 2 thanh đới nằm trong thanh quản.

Thanh quản là một ống nối tiếp với khí quản. Phần giữa thanh quản thắt lại như cổ chai. Chỗ thắt lại này là do các dây cơ và sụn chắn ngang hai bên tạo nên thanh đới.

Thanh đới là bộ phận chủ yếu tạo ra âm thánh : Do áp lực của làn hơi từ phổi đưa lên, thanh đới, với những độ căng khác nhau và hình dạng khác nhau, mở ra và đóng lại nhanh chậm khác nhau, cắt làn hơi thành những sóng âm có tần số khác nhau, tạo thành những âm thanh có cao độ khác nhau: Thanh đới mỏng/ngắn mở đóng nhanh hơn thanh đới dày/dài(thanh đới ở phụ nữ và trẻ em ngắn và mỏng hơn ở đàn ông, nên giọng nữ và trẻ em cao hơn giọng đàn ông một quãng 8).

Thanh đới mỏng hơn khi được căng ra, hoặc thanh đới không mở đóng toàn phần, mà chỉ mở đóng trên một phần nào đó của mình, làm cho phần thanh đới tham gia cắt làn hơi ngắn đi, và như vậy tạo được những âm thanh cao. Độ căng, hình dạng, kích thước của thanh đới không chỉ ảnh hưởng đến cao độ, mà cả âm sắc nữa. Còn cường độ âm thanh là do sức mạnh của làn hơi đưa lên

Sự phối họp nhuần nhuyễn giữa làn hơi và các cơ điều khiển thanh đới sẽ quyết định âm thanh phát ra phù hợp hay không. Do đó, cần bảo vệ thanh đới cho lành mạnh.HN_week4_25

Muốn bảo vệ thanh đới, bạn phải hát đúng cách. Cụ thể hơn là hát làm sao để cho mọi hoạt động khác hỗ trợ cho thanh đới đều phải phù hợp. Không nên hát quá lớn như gào thét có thể dẫn đến “mất tiếng” do thanh đới bị tổn thương không có khả năng làm việc linh hoạt theo yêu cầu của ca hát; hay hát quá cao không phù hợp với loại giọng của mình, làm cho thanh đới căng ra quá mức, nếu kéo dài và phối hợp với hát lớn, cũng gây tổn thương đến thanh đới.

Bộ phận truyền tăng âm

Bộ phận truyền tăng âm

Bao gồm cuống họng (yết hầu) thông với đường miệng hoặc đường mũi.

Bộ phần truyền âm sẽ gom lại các chấn động âm thanh do thanh đới tạo ra và dẫn ra ngoài theo hai hướng miệng hoặc mũi. Cuống họng và miệng không những truyền âm, mà còn góp phần khá quan trọng vào việc tăng âm (đóng vai trò như một hộp cộng hưởng).

Cuống họng rất dễ bị kích thích do được bao bọc bởi một hệ thống niêm mạc, do đó cần phải giữ gìn để cuống họng không bị viêm nhiễm, ảnh hưởng xấu đến giọng hát. Nên nhớ tránh dùng rượu, cà phê, thuốc lá và thức ăn thức uống quá nóng, quá lạnh, quá cay,…

Bộ phát âm (nhả chữ)

Là miệng với các hoạt động của môi, răng, lưỡi, hàm dưới, vòm mềm (hàm ếch mềm, cúa mềm, ngạc mềm). Nhờ vào hoạt động của các cơ năng trên, chúng ta nhận ra được lời ca, tiếng hát với ý nghĩa của nó. Khi nói đến khẩu hình là nói đến hình thể, hình dáng, cả bên ngoài lẫn bên trong của miệng do hoạt động phối hợp của môi, lưỡi, hàm dưới, vòm mềm tạo ra khi phát âm. Mở khẩu hình không đúng cách sẽ ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng âm thanh, mà nhất là ảnh hưởng đến việc rõ lời, là một yêu cầu cơ bản trong thanh nhạc.

Bộ phận dội âm

Gồm tất cả các khoảng trống trong thân thể, chủ yếu là các khoảng trống trên đầu, trên mặt, gọi là xoang cộng minh (cộng hưởng). Ngoài khoang họng và khoang miệng vừa tăng âm vừa dội âm, thì các xoang mũi, xoang vòm mặt, xoang trán v.v… chủ yếu có tính cách dội âm, tức là làm cho âm thanh được cộng hưởng, âm vang đầy đặn, giàu âm sắc nhờ các bội âm (hoạ âm) mà chúng tạo ra. Vì thế, khi hát cần phải phóng âm thanh lên phía trước (tiếng Pháp gọi là chanter en avant) để tạo được vị trí dội âm trước mặt. Vị trí trước mặt mà làn hơi phải hướng tới không giống nhau đối với mọi người. Mỗi người sẽ tìm từng vị trí cho từng cao độ, nhưng nói chung chúng nằm khoảng giữa hàm trên và trán (ngay cả khi nói, nếu ta biết nói âm thanh ra phía trước, thì họng ta sẽ đỡ mệt và tiếng nói ta vẫn rõ ràng mà không tốn sức).

Kết: Hi vọng qua bài viết trên, bạn đã có thể hiểu cặn kẽ về bộ máy phát âm trong cơ thể của mình, từ đó có những hướng đi tốt hơn trong việc học thanh nhạc của mình. Đừng quên theo dõi thêm những bài học nhạc online thật bổ ích từ kênh mTrend.vn bạn nhé!

mTrend tổng hợp.

Hình ảnh: Google.

Viết một bình luận

Chương trình giúp "CON GIỎI NGHE - NÓI - ĐỌC - VIẾT" thành thạo tiếng anh trước tuổi lên 10 và nhiều phần quà hấp dẫn. Tìm hiểu thêm