Criss Oliva- một nửa Oliva của Savatage

By mtrend

“Thật kinh ngạc là cậu ấy chẳng bao giờ quan tâm đến nhạc lý cả. Cậu ấy hoàn toàn tin tưởng vào thính giác, xúc cảm của mình và cậu ấy có sức sáng tạo khác thường. Đối với tôi, cậu ấy giống như một Mozart vậy.” Jon Oliva- Thủ lĩnh của nhóm nhạc lừng danh Savatage đã dành những lời ấy cho cậu em trai Criss Oliva, người đã mất vào cách đây 20 năm, 17/10/1993.

Savatage, một trong những ban nhạc progressive/heavy metal rất được yêu thích đối với những rock fan trên toàn thế giới cũng như Việt Nam. Nhắc đến Savatage, ta không thể không nhắc đến Jon Oliva- người được mệnh danh là nhà thơ của nỗi đau, trưởng nhóm và cũng là người sáng tác hầu hết các ca khúc của Savatage. Nhưng Savatage không chỉ có 1 Oliva, nếu Jon có thể chạm đến trái tim của người nghe bằng chất giọng tenor tuyệt vời của mình,  thì những cú riff, những câu solo của cậu em trai, guitarist của Savatage- Criss Oliva cũng đầy da diết, đầy giai điệu, đầy đam mê như những vần thơ, những câu thơ được viết lên bằng cây guitar điện.

Criss Oliva (tên đầy đủ là Christopher Michael Oliva) sinh ngày 3/4/1963 tại Bronx, New York, trong gia đình có bố là một nhạc công, bởi vậy Criss và anh trai là Jon đã sớm được tiếp xúc với nhạc cụ, và một cách tự nhiên, đam mê đối với âm nhạc được nhen nhóm từ rất sớm. Khi gia đình Oliva chuyển đến California, cả 2 đã có những buổi biểu diễn nhỏ tại thành phố này, 2 anh em đã chơi những ca khúc cover của Kiss, Black Sabbath. Lúc đầu, người chơi guitar là ông anh Jon, còn Criss là người chơi bass, về sau, khi mà tài năng của Criss với cây guitar tỏ ra nổi trội hơn anh mình, thì Jon đã nhường lại vị trí guitar cho cậu em.

Criss cũng như Jon Oliva, không hề qua một lớp nhạc chính quy nào, nhưng tài năng khác thường của Criss đã khiến người ta phải thán phục khi còn là 1 cậu bé. Người ta nói rằng ở tuổi 14, 15, Criss Oliva đã trên cơ tất cả các cây guitar khác, theo đúng nghĩa đen. Năm 17 tuổi, ở cuộc thi tài năng ở Tampa, Criss đã chơi lại tác phẩm kinh điển của Eddie Van Halen “Eruption” một cách tuyệt vời đến mức người ta ví von rằng “quai hàm của Eddie (Van Halen) cũng phải trễ xuống khi xem Criss trình diễn.

Sau khi rời khỏi ghế nhà trường, 2 anh em nhà Oliva đã chia đôi đường, tự đi tìm cho mình con đường âm nhạc riêng, nhưng chỉ 1 thời gian ngắn sau, cả 2 anh em đã tái hợp trong dự án âm nhạc của Jon, ban nhạc Avatar (sau này đổi tên thành Savatage). Gây tiếng vang với 2 album Hall of mountain king (1987) vàGutter Ballet (1989), Savatage đã tạo dựng nên chỗ đứng cho mình trong làng âm nhạc nước Mỹ thời ấy. Những cú riff đầy giằng xé như Gutter Ballet, The Price you pay, Prelude to madness hay những câu solo đầy giai điệu, đầy u buồn như When the crowd are gone…, lúc thì mạnh mẽ, lúc thì trầm lắng, hay lúc đầy ngẫu hứng, có thể nói, chính tiếng guitar của Criss đã trở thành linh hồn cho những ca khúc của Savatage. Tài năng của Criss được cả nước Mỹ công nhận tuy nhiên  trong cách chơi guitar của mình, Criss thường rất ít khi phô trương những pha chạy ngón nhanh như chớp hay những kĩ thuật khó. Cậu em nhà Oliva chỉ đơn giản là chơi những gì mình nghĩ là hay nhất, những câu guitar đầy xúc cảm nhất theo cảm nhận của mình.

Đỉnh cao của thành công với Criss Oliva có lẽ nằm ở album Street- A rock Opera. Khó có thể diễn tả hết những cảm xúc  từ tiếng guitar, nhất là những câu solo của Criss trong concept album rất được yêu thích này. Chắc hẳn những người từng nghe qua Believe của Savatage thì không thể nào quên được tiếng guitar giằng xé, quằn quại như chính lời ca của ca khúc kinh điển này. Criss Oliva đã nói rằng ước mơ lớn nhất của đời ông chính là tạo ra được một tác phẩm hoàn hảo như Street-  A rock Opera. Dù rằng ông còn cùng với Savatage cho ra đời album Edge of Thorns vào năm 1993 nữa, nhưng người ta cho rằng câu nói trên của Criss chính là điềm gở cho chính ông.

Ngày 17/10/1993, lúc 3h30 sáng, Criss Oliva và vợ mình đã bị tai nạn xe hơi trên đường đến một nhạc hội tại Florida. Người vợ Dawn Oliva đã may mắn sống sót, nhưng Criss thì không. Mất mát quá lớn đối với Savatage và những người yêu mến guitarist tài năng này. Savatage đã mãi mãi mất đi một nửa “Oliva” của mình.

1 tháng sau đó, Savatage đã có một buổi biểu diễn tưởng nhớ đến Criss, một buổi biểu diễn mà ban nhạc đã chơi mà không có guitar, trên sân khấu là cây guitar màu trắng của chính ông được đặt lên những bông hoa hồng từ những người hâm mộ. Năm 1994, ban nhạc Thrash Over Kill đã viết ca khúc R.I.P (Undone) dành cho ông.

Cũng trong năm 1994, Jon Oliva và Savatage đã cho ra đời album Handful of rain, album được xem là hay nhất của nhóm. Jon đã nói rằng, Savatage tiếp tục viết nên những ca khúc hay chính là cách tri ân tốt nhất đối với em trai của mình. Ca khúc cuối cùng của album, Alone you breath được nhiều người cho là ca khúc Jon đã viết dành riêng cho em trai mình.

You believed in things that I will never know

You were out there drowning but it never showed

Till inside a rain swept night you just let go

You’re thrown it all away

And now we’ll never see

The ending of the play

The grand design

The final line

And what was meant to be

Đã tròn 20 năm kể từ ngày mất của Criss Oliva, người hâm mộ vẫn còn nhớ và lưu luyến đến một tài năng xuất chúng, người đã mãi mãi ở lại với tuổi 30. Gia đình của Criss đã lập nên trang web http://www.crissoliva.com và duy trì hoạt động của nó để mọi người có thể viết những chia sẻ của mình đối với Criss Oliva, đặc biệt là vào 17/10 hàng năm. Nếu bạn là một người yêu thích Savatage và Criss Oliva, bạn cũng có thể để lại những cảm nghĩ của mình trên trang web này.

Cái chết của Criss Oliva không được người ta nhớ đến như “Câu lạc bộ 27” với những Jimy Hendrix, Cliff Burton, hay những John Lennon… nhưng người hâm mộ của Savatage cũng không lấy làm phiền lòng. Bởi vì khi còn sống cũng như khi đã mất, không ai so sánh Criss Oliva với những thiên tài guitar khác, một guitarist chả mấy quan tâm đến nhạc lý, chỉ đơn giản là cầm guitar lên và chơi.

Để kết thúc bài viết nhằm tưởng nhớ 20 năm ngày mất của Criss Oliva, hãy cùng lắng nghe một trong những ca khúc hay nhất của nghệ sĩ tài năng này – When the crowds are gone.



Viết một bình luận