Các Diva “làm ấm” giọng trước khi lên sân khấu như thế nào?

By mtrend

Với các ca sĩ chuyên nghiệp hay bất kỳ ai muốn có một giọng hát khỏe mạnh, khởi động làm ấm giọng là một bước quan trọng để “lên dây cót”, giúp giọng hát đạt đến trạng thái đẹp nhất và đồng thời tránh được những tổn hại trong quá trình “tác nghiệp”. Cùng mTrend tham khảo những phương pháp “thần thánh” được các Diva sử dụng trước vô vàn các buổi biểu diễn nhé!

1. “Chiến thuật” cho tòan bộ cơ thể

     A. Giữ đúng tư thế:

Tư thế “chuẩn” sẽ giúp bạn có một luồng hơi “chuẩn”. Giữ cho tư thế của bạn khi hát, dù ngồi hay đứng, luôn thẳng một đường từ đầu xuống lưng.

Khi đứng: chia đều trọng lượng cơ thể cho hai chân, giữ cho lòng bàn chân vững vàng dưới sàn. Hai vai mở rộng. Ngẩng cao đầu. Ngực hơi ưỡn. Các bộ phận khác trên cơ thể cũng phải song song hoặc thẳng hàng.

Khi ngồi: làm theo các bước tương tự như khi đứng, nhớ không được tựa lưng vào ghế, ngồi thẳng và hướng về phía mép ghế.

Tư thế đứng hát “chuẩn”

Tư thế ngồi hát “chuẩn”

     B.Thở sâu:

Đa số đều có thói quen không tốt khi lấy hơi ở phần trên của phổi để hát. Phương pháp này không tận dụng được hết luồng hơi ở bụng và không thể hiện trọn đầy nội lực của giọng hát.

Nếu bạn lo lắng và thở gấp, các cơ bắp cũng sẽ căng thẳng khiến âm thanh phát ra từ dây thanh quản bị ảnh hưởng. Giữ cho hơi thở đều đặn, hai vai thả lỏng và lồng ngực thư giãn. Tập trung lấy hơi thở từ vùng bụng dưới. Nếu cần, đặt tay lên bụng để cảm nhận chuyển động lên xuống, và nhớ rằng đó là nơi lấy hơi “chuẩn” nhất. Khi thở ra, điều khiển luồng hơi sao cho từ miệng tạo thành một âm thanh nghe gần giống như tiếng “xì”.

Đây là những phương pháp luôn được các ca sĩ chuyên nghiệp sử dụng trước khi lên sân khấu để làm ấm giọng.

      C. Thả lỏng xương hàm:

Cổ họng và phần xương hàm không được gồng cứng vì như thế sẽ kìm hãm luồng hơi, khiến âm thanh không được phát ra một cách đẹp nhất có thể. Xương hàm chính là “nhạc cụ” nơi âm thanh phát ra trực tiếp – do đó cần phải được chăm sóc đặc biệt.

Mát xa xương hàm bằng hai lòng bàn tay. Ấn và xoa nhẹ dưới phần xương gò má theo chiều chuyển động của kim đồng hồ. Thả lỏng và mở rộng hàm một cách tự nhiên, không dùng lực. Lặp đi lặp nhiều lần bài tập này để thư giãn phần xương hàm.

     D. Uống nước ấm:

Nước lạnh sẽ khiến dây thanh quản của bạn co rút lại, theo đúng nghĩa đen! Tốt nhất cũng nên tránh xa các loại nước uống có chứa caffeine và các chất kích thích có chứa nicotine. Hấp thụ những chất này sẽ khiến giọng hát của bạn bị hạn chế, không phát huy được hết khả năng.

Trà ấm hay nước để nguội ở nhiệt độ phòng là giải pháp tốt nhất để “bôi trơn” dây thanh quản, nhưng lưu ý nên tránh nhiệt độ quá lạnh hay quá nóng nhé!

mTrend nhắc bạn, muốn có một giọng hát khỏe mạnh thì hãy tránh xa những “bạn xấu” này nhé!

2. Phương pháp luyện thanh:

     A. Luyện chạy âm giai (scale):

Đừng ép bản thân mình phải hát liên tục quá 3 quãng tám. Luyện chạy âm giai một cách chậm rãi để làm ấm và mở rộng quãng giọng từ nốt cao nhất đến nốt thấp nhất. Phương pháp này rất dễ thực hiện, bạn thậm chí có thể tự làm một mình.

Lưu ý: Nếu bạn thở đúng cách và điều khiển cơ thể chuẩn xác, bạn sẽ dễ dàng hát được các nốt ở vùng âm vực cao hơn.

Nếu bắt đầu từ những nốt quá thấp hoặc quá cao, hay gồng mình hát những nốt vượt quá khả năng, bạn sẽ làm tổn thương giọng hát, do đó hãy cứ kiên nhẫn và tập luyện từ từ.

Xem thêm chi tiết về phần hướng dẫn chạy âm giai trong mục học nhạc Online của mTrend.

     B. Phương pháp rung môi và lưỡi:

Đây cũng là một phương pháp khởi động để môi, lưỡi linh hoạt hơn, hơi thở hiệu quả hơn, và hạn chế những căng thẳng của cơ thể.

Để thực hiện, chỉ cần hơi trề môi dưới, giữ cho hai môi khép chặt và phát ra âm “th” hoặc “t” thành tiếng kéo dài, thay đổi cao độ và di chuyển lên xuống trong phạm vi âm vực của bạn. Đừng cố làm điều gì quá sức hoặc quá khả năng của bạn.

Để tập rung lưỡi, nghĩ tới cách phát âm chữ “r” trong tiếng Tây Ban Nha. Đẩy lưỡi của bạn lên sau hàm trên và thở mạnh. Giữ cho âm thanh và luồng hơi thật đều, thay đổi cao độ trong khi rung. Một lần nữa, đừng cố quá kẻo thành “quá cố” đó!

Vị trí của lưỡi khi phát ra âm “R”

     C. Tạo tiếng hú hay tiếng còi xe:

Một trong những cách khá “nhộn” khi khởi động là tạo thành tiếng hú hay tiếng còi xe cứu hỏa. Khi tạo tiếng còi xe, (bắt đầu từ thấp lên cao), chuyển động cánh tay bạn theo vòng tròn, lên xuống khi độ cao thay đổi.

Những âm thanh này giúp co giãn dây thanh quản một cách lành mạnh và được kiểm soát. Đơn giản, bạn chỉ cần tưởng tượng như đang hút một sợi mì vào miệng. Khi thở ra thì “hú” lên thành tiếng; nghe như tiếng còi. Giữ cho âm thanh kéo dài và thật đều đặn, thay đổi cao độ lên xuống để đạt đến những nốt cao nhất và thấp nhất trong âm vực. Lặp lại động tác này nhiều lần.

Nếu quan tâm đến các kỹ thuật thanh nhạc hay đã có chút kinh nghiệm, bạn sẽ thấy những phương pháp của mTrend rất quen thuộc!

Bạn cũng có thể tập vài câu nói “lắt léo” để lưỡi linh động trong khi thay đổi cao độ lên xuống. Ví dụ như “bắt con cá rô, bỏ vô rổ”, “Buổi trưa ăn bưởi chua”… Thay đổi cao độ mỗi khi lặp lại một câu. Tập như vậy, bạn sẽ dễ dàng phát âm và xử lý linh hoạt những bài hát phức tạp.

     D. Ngâm nga:

Ngâm một giai điệu cũng giúp làm dịu giọng hát của bạn, đây là một kỹ thuật khá quan trọng nhưng mọi người thường hay quên đi. Phương pháp làm ấm giọng này khá an toàn vì không làm căng dây thanh quản của bạn.

Thả lỏng cơ hàm và hai vai. Hít vào bình thường, khi thở ra tạo thành âm thanh “hum.” Thay đổi cao độ từ thấp lên cao. Nếu cảm thấy hơi nhột ở xung quanh mũi và môi, bạn đang làm rất tốt đấy!

Xem thêm:

EDM – âm nhạc thôi miên giới trẻ

Nhỏ nhưng có võ – Đàn Kalimba chinh phục mọi tín đồ âm nhạc

IQ của bạn có thể tăng chỉ nhờ nghe những bản nhạc “xưa như trái đất” này

Viết một bình luận