Autotune là gì?

By mtrend

Khi nghe những bài nhạc có giai điệu cực lạ và hay mà bạn không thể tưởng tượng ra được loại nhạc cụ nào làm ra âm thanh đó, bạn có thắc mắc rằng làm sao các nhà sản xuất âm nhạc có thể làm ra âm thanh đó không? Hôm nay mTrend sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc đó thông qua bài viết này.

Đối với các bức ảnh, photoshop được nhắc đến như một công cụ thần thánh giúp cho bức ảnh trở nên hoàn hảo trong mắt người xem. Với âm nhạc, Autotune chính là công cụ thần thánh đó. Trong thế giới âm nhạc, từ Âu – Mỹ, Kpop cho đến Việt Nam, không đâu có thể thoát khỏi quyền năng của Autotune.

Bắt nguồn từ công nghiệp dầu mỏ

Nghe có vẻ không hề liên quan, nhưng cha đẻ của Autotune – Andy Hindebrand là một người hùng trong ngành công nghiệp dầu mỏ. Ông phục vụ ngành công nghiệp này gần như cả đời bằng việc đọc các cơn địa chấn. Ông đã nghĩ ra cách để ghi lại những chấn động của đất bằng biểu đồ trực quan. Nhờ đó mà ngành công nghiệp này đã tiết kiệm được một khoản lớn trong công việc hàng ngày và biến ông trở thành anh hùng của ngành.

Tuy nhiên, tài năng của ông không chỉ dừng lại ở dầu mỏ. Trong một tình huống trớ trêu khi có một vị khách nữ thách thức ông sáng chế ra thứ gì đó để khiến cô hát hay hơn, tài năng của ông lại có cơ hội được thử thách và sáng tạo. Năm 1996, Autotune ra đời và trở thành quyền năng trong ngành công nghiệp thu âm. Tuy nhiên, thời điểm mới ra đời, Autotune được các nhà sản xuất xem như một vũ khí bí mật và cất giấu cho riêng mình để tạo ra bản thu “hoàn hảo không tì vết” nên không được đông đảo công chúng biết đến.

Chỉ khi bản hit Believe của ca sĩ Cher ra đời năm 1998 có độ hoàn hảo đến mức khó tin nhưng vẫn cực kì thành công thì công chúng mới bắt đầu nhận ra sự hiện diện của Autotune trong các bản thu âm nhạc. Từ đó, cụm từ “Cher effect” ra đời để ám chỉ làn sóng Autotune. Tuy nhiên, dư luận đánh giá Autotune cực kì tiêu cực và tạo ra nhiều làn sóng chỉ trích nên công nghệ thần thánh này nhanh chóng đi vào quên lãng. Năm 2005, rapper nổi tiếng T-Pain đã sử dụng lại Autotune trong phòng thu và là cột mốc đánh dấu thời kì huy hoàng của công nghệ này chính thức bắt đầu.

Công nghệ quyền năng Autotune

Giọng chipmunk – một trong những loại giọng đã từng tạo ra một làn sóng đối với người nghe nhạc bởi chất dễ thương và đáng yêu của nó. Nhưng đó chỉ là một trong những quyền năng nhỏ mà Autotune có thể làm được. Các công dụng khác của Autotune mà có thể bạn chưa biết đến như: chỉnh sửa khuyết điểm trong giọng ca sĩ, loại bỏ các tạp âm, tông giọng lên xuống cực hoàn hảo,… Tất cả những gì bạn cần để tạo một bản thu âm hoàn hảo, Autotune đều có thể giúp bạn. Nói nôm na rằng, với Autotune thì ngay cả Lệ Rơi cũng có thể trở thành ca sĩ có giọng hát không chê vào đâu được.

Ngày nay, giọng hát hay không phải là con đường duy nhất để chinh phục khán giả. Giai điệu hay, beat dồn dập đúng chất, bắt tai cũng là một cách để trở nên thành công trong âm nhạc. Chính vì vậy, Autotune được sử dụng ngày càng phổ biến không chỉ với giai điệu mà còn với cả giọng của ca sĩ để đưa ra các bản thu hay nhất về cả mọi mặt.

2NE1 là một trong những nhóm nhạc đưa Autotune vào trong vài bài hát để tạo ra giai điệu bắt tai và ấn tượng.

2NE1 là một nhóm nhạc có thừa tài năng về giọng hát, nhưng ở một số ca khúc hit như “I am the best”, họ vẫn sử dụng công nghệ Autotune để làm bài hát trở nên “bắt tai” và hợp thời hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng Autotune với mục đích như thế. Với một số “ca sĩ” nhưng giọng hát lại chưa đủ chuẩn: yếu, mỏng, hay phô,… thì việc Autotune ra đời được xem như một công cụ thánh giúp họ hiện thực hóa ước mơ “ca sĩ” của mình. Chính vì vậy, nhiều khi nghe bản thu âm và phần trình diễn live, bạn sẽ tưởng chừng như hai người khác nhau đang hát.

Autotune không chỉ xuất hiện trong các bản thu âm nhạc đơn thuần mà còn được sử dụng rất thường xuyên trong các tác phẩm phim ảnh, đặc biệt là các thể loại phim ca nhạc, trong đó có thể kể đến: Glee, phim Bollywood,…

Lợi hay hại?

Bất kì điều gì cũng có hai mặt. Vậy Autotune được người trong ngành xem như vị cứu tinh hay là kẻ hủy diệt?

Thật ra, nói Autotune không mang lại được gì cho âm nhạc thì không đúng. Bởi nhờ có công nghệ này mà rất nhiều các tác phẩm nhạc nổi tiếng ra đời trên thế giới, từ Âu – Mỹ, Kpop đén Việt Nam: Party in the USA (Miley Cyrus), She will be loved (Maroon 5), I am the best (2NE1), Come back home (2NE1), Boom Boom (Đông Nhi),… Autotune đã góp phần làm tác phẩm có hiệu ứng bắt tai khiến người nghe phải replay liên tục.

Tuy nhiên, đối với một số nhà sản xuất lớn hay ca sĩ chuyên nghiệp lại cho rằng âm nhạc hay thì không hoàn hảo được. Nếu âm nhạc hoàn hảo mà do công nghệ thực hiện thì sản phẩm đó đã mất đi một nửa giá trị nghệ thuật. Có lẽ đó cũng là một trong những lí do mà Autotune được tạp chí Time trao tặng danh hiệu “Một trong 50 phát minh tồi tệ nhất thời đại”.

Dù vậy, cũng có những nghệ sĩ, ca sĩ và nhà sản xuất có ý kiến trung lập và cái nhìn khách quan hơn về Autotune. Như nhà sản xuất Jo Youngsu – Hàn Quốc cho rằng “Các ca sĩ lạm dụng autotune để che giấu khiếm khuyết là chuyện hết sức sai lầm. Các fan yêu nhạc có thể kiểm tra giọng hát thật của ca sĩ qua MR-removed video. Thay vì sử dụng autotune như một phương tiện che chắn, họ nên cải thiện khả năng của bản thân trước đã. Về cơ bản, autotune là một công cụ hữu ích nếu được sử dụng vào đúng ca khúc.”

Xem thêm:

Top 10 Khóa học đánh đàn guitar online hay nhất của Haketu và Hiển Râu từ cơ bản đến nâng cao

HyunA và Sunmi: Cùng là “cựu Wonder Girls” nhưng hai số phận solo

Đằng sau vết sẹo của Selena Gomez: Khi vinh hoa cả trăm ngàn bạn, lúc hoạn nạn tri kỉ chỉ còn hai

Viết một bình luận

Chương trình giúp "CON GIỎI NGHE - NÓI - ĐỌC - VIẾT" thành thạo tiếng anh trước tuổi lên 10 và nhiều phần quà hấp dẫn. Tìm hiểu thêm